Bất chấp thép Trung Quốc, thép Việt vẫn “khỏe mạnh” hơn thường

Sản xuất thép

Mặc dù các DN ngành Thép liên tiếp tố cáo bị tôn thép Trung Quốc lấn lướt, chiếm thị phần, gây tổn thương, làm giảm năng lực cạnh tranh… Song, báo cáo ngành gần đây cho thấy, chưa bao giờ sản xuất và tiêu thụ thép đạt kỷ lục như 11 tháng năm 2015.

Từ đầu năm 2015 cho đến nay, ngành thép Việt Nam liên tiếp kêu khó khăn vì thép Trung Quốc ồ ạt tràn vào với các tiểu xảo hưởng lợi thuế.

Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam, 9 tháng năm 2015, các nhà sản xuất tôn thép tiêu thụ được 2.268.000 tấn. Trong khi đó, khối lượng nhập khẩu vào để tiêu thụ ở trong nước là 1.078.000 tấn. Tôn thép nhập khẩu chiếm 32,2% thị trường trong nước.

Điều đáng nói là trong số hàng nhập khẩu thì tôn mạ từ Trung Quốc chiếm 90%, chất lượng kém và bán với giá rẻ hơn tôn Việt Nam.

Ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tôn Hoa Sen từng cho rằng, ước tính tổng sản lượng tiêu thụ nội địa của năm 2015 dự đoán là khoảng 2,6 triệu tấn thì với việc thị phần suy giảm 20%, tương đương hơn 500 nghìn tấn, các doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ bị tổn thất hơn 9,3 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo một nguồn tin, mới đây, chính ngành này lại công bố chưa bao giờ sản xuất và tiêu thụ thép đạt kỷ lục như 11 tháng năm 2015. Hiện chưa có báo cáo toàn quý, nhưng Hiệp hội Thép cho biết, tính tổng tất cả các loại thép tiêu thụ trong 11 tháng 2015 ước tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Liên quan đến hiện tượng thép Trung Quốc đội lốt thép hợp kim để hưởng ưu đãi về thuế khiến nhiều doanh nghiệp trong nước lao đao, doanh nghiệp Việt cần phải làm gì để bảo vệ mình trước sức ép của thị trường như khởi kiện, trao đổi với báo giới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nói: “Chúng ta chứng minh thế nào khi ngành thép vẫn đang đạt kết quả tốt”.

Theo nhận định của vị này, nền kinh tế của Trung Quốc đang trì trệ, sản xuất thừa nên buộc phải tiêu thụ thép sang các nước, hiện tượng này không chỉ gây khó khăn cho Việt Nam mà cả EU, Hoa Kỳ.

Bộ Công Thương đã làm việc với Hiệp hội Thép Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam, Tập đoàn Hòa Phát để tìm hiểu cụ thể câu chuyện Trung Quốc có bán phá giá không, có gây ảnh hưởng gì đến sản xuất thép trong nước.

Thứ trưởng Khánh cũng cho hay, để khởi kiện một vụ kiện chống bán phá giá không đơn giản.

Thứ nhất, phải chứng minh họ có hành vi chống bán phá giá dựa trên cơ sở giá bán trong nước họ và giá xuất khẩu sang nước mình và nước khác, nếu giá bằng nhau thì khó nói họ bán phá giá, còn nếu giá họ bán sang nước mình thấp hơn giá họ vẫn bán ở trong nước và các thị trường khác mới khẳng định được họ đang bán phá giá.

Thứ hai là phải chứng minh việc bán phá giá đó đã gây ra hoặc đe dọa gây ra ảnh hưởng tiêu cực cho sản xuất thép trong nước. Bên cạnh đó còn có câu chuyện tư cách đi kiện, doanh nghiệp kiện phải có thị phần 30% sản xuất trong nước. Ngoài ra cần phải hỏi ý kiến tất cả các bên sản xuất và tiêu dùng.

“Trong việc đi kiện, câu chuyện này về mặt kỹ thuật rất phức tạp. Doanh nghiệp cần chủ động lên tiếng, kết nối để bảo vệ quyền lợi của mình”, Vị trưởng đoàn đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP khuyến cáo.

@CafeBiz

Tin liên quan