Nếu để phôi thép Trung Quốc tiếp tục tràn vào VN, nhiều doanh nghiệp VN sẽ đóng cửa hoặc chỉ có thể đi gia công cho thép Trung Quốc.
Ông Mai Văn Hà, giám đốc Công ty CP thép Hòa Phát, khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về câu chuyện “thép Việt bị tấn công”.
Ông Hà nói: “Thép Trung Quốc, đặc biệt gần đây là phôi thép giá rẻ, đang tràn ngập thị trường thế giới khiến nhiều nước phải đau đầu đối phó. Trong khi đó, chi phí vận chuyển thép từ Trung Quốc sang VN thấp hơn các nước do cự ly gần, nên VN càng phải chịu ảnh hưởng gấp bội.”
Vì sao thép Trung Quốc nhập vào VN vẫn rẻ hơn thép sản xuất trong nước, thưa ông?
– Thép Trung Quốc hiện chiếm khoảng 50% sản lượng thép toàn thế giới, trong khi nhu cầu sắt thép trong nước sụt giảm do tái cơ cấu, gây dư thừa công suất. Để đảm bảo việc làm, duy trì dòng tiền trả nợ, chính quyền Trung Quốc tìm mọi cách duy trì trợ cấp bằng chính sách thuế, tín dụng giúp các nhà máy thép duy trì sản xuất.
Ngoài ra, chi phí sản xuất thép Trung Quốc cũng rẻ hơn VN do có nguồn nguyên liệu tại chỗ dồi dào, trong khi ngành thép Việt Nam chỉ mới phát triển, quy mô nhỏ nên chi phí cao hơn, rất khó cạnh tranh với sản phẩm thép từ Trung Quốc.
Thép xây dựng Trung Quốc nhập vào VN khá nhiều, nhưng trên thị trường ít thấy sản phẩm thép Trung Quốc, vì sao?
– Thật ra, phần lớn thép Trung Quốc tràn vào VN dưới dạng bán thành phẩm, trong đó chủ yếu là phôi thép vuông, sản phẩm trong nước đang dư thừa công suất. Một số doanh nghiệp trong nước nhập về rồi gia công cán kéo ra thép thanh, thép cuộn nên sản phẩm mang thương hiệu VN nhưng bản chất là thép Trung Quốc.
Ngoài ra, vài năm qua có hiện tượng nhập thép cuộn khai là thép hợp kim có chứa Bo, Cr để hưởng thuế suất 0% về làm thép cốt bêtông, trong khi nếu khai đúng thì loại này phải chịu thuế 15 – 20%. Số thép này được trộn vào các loại thép khác, hoặc đi vào các công trình xây dựng lớn do các doanh nghiệp đầu tư nên người dân khó phát hiện.
Theo ông, cần có giải pháp nào để ngăn chặn thép Trung Quốc tràn vào VN?
– Trước hết, để ngăn chặn chuyện thép Trung Quốc lợi dụng được quy định khác nhau giữa các dòng trong biểu thuế ưu đãi theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc để trốn thuế nhập khẩu, cần quy định rõ hơn thế nào là hợp kim, tránh hiện tượng chỉ cho khoảng 0,3% crom vào là phôi thép Trung Quốc được hưởng thuế 0% thay vì 9%.
Ngoài ra, cần siết chặt quản lý đăng ký nhập khẩu, chống gian lận thương mại và tránh thất thu thuế, dựng các hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn thép giá rẻ nhằm bảo vệ sản xuất trong nước…
Đặc biệt, theo tôi, VN cần xem xét áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu.