Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2015 của Hiệp hội thép Việt Nam được tổ chức ngày 13-1, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội cho rằng, ngành thép trong nước đã có bước khởi sắc so với các năm trước đây.
Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Thép cảnh báo, với tình hình bị ảnh hưởng của lượng thép NK tăng cao như các sản phẩm tôn mạ kim loại & sơn phủ màu, thép thanh, thép cuộn… thì Việt Nam rất có thể sẽ trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm thép NK trong thời gian tới.
Theo số liệu của Hiệp hội thép Việt Nam, tính chung trong năm 2015, sản xuất các sản phẩm thép đạt gần 15 triệu tấn, tăng 21,5% so với 2014. Tiêu thụ thép đạt gần 17, 9 triệu tấn (gồm cả thép NK), tăng 26% so với 2014.
Trong năm 2015, Việt Nam NK các sản phẩm thép thành phẩm khoảng 13,7 triệu tấn, tăng 22,56% so với năm 2014. Đáng chú ý, hơn 1,78 triệu tấn phôi thép đã vào Việt Nam, tăng 198% so với năm 2014. Trong đó, cũng có hơn 1,62 triệu tấn thép cuộn và dây thép được NK trong khi sản xuất thép cuộn trong nước chỉ đạt 1,13 triệu tấn. Đồng thời, năm 2015 có gần 1,43 triệu tấn tôn mạ kim loại và sơn phủ màu được NK, tăng 87,5% so với năm 2014.
Nói về lượng thép Trung Quốc NK vào Việt Nam năm 2015, ông Sưa cho biết, Việt Nam NK khoảng hơn 8,4 triệu tấn thép Trung Quốc, giá trị hơn 3,7 tỷ USD và chiếm tỷ trọng khoảng hơn 60%. So với năm 2014, lượng thép này đã tăng hơn 57% về lượng và 13,6% về trị giá. Khoảng 35% lượng hàng Nk còn lại là đến từ các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…
Nếu so với con số NK thì số thép XK chiếm tỷ lệ khiêm tốn. Theo đó, năm 2015 Việt Nam đang chỉ XK tổng cộng hơn 2,8 triệu tấn thép các loại, tăng nhẹ gần 3%. Thị trường truyền thống chủ yếu vẫn là các nước trong khối ASEAN mà chưa tìm được hướng XK sang các thị trường mới. Tuy nhiên, ngay tại thị trường truyền thống này, chúng ta cũng đang bị giảm về lượng khoảng 4% và giá trị XK khoảng 16,7%.
Việc NK thép tăng mạnh theo ông Sưa sẽ khiến tốc độ tăng trưởng sản xuất của DN trong nước sẽ giảm. Tuy nhiên, ông Sưa cũng dự báo, với việc mở cửa thị trường, tham gia nhiều hiệp định thương mại, năm 2016, ngành công nghiệp thép Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng, dự kiến khoảng 15% so với năm 2015.
Góp ý tại hội nghị, ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho rằng, năm 2016 sẽ là một năm khó khăn. Khi chúng ta đẩy mạnh XK thì các nước thị trường sẽ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, khiến ngành hàng có nguy cơ bị mất thị trường, kim ngạch XK sẽ giảm.
Tại thị trường nội địa, nếu không thực hiện tốt các biện pháp phòng vệ thương mại thì năm 2016, lượng thép từ các nước, đặc biệt từ Trung Quốc tràn vào sẽ khiến thị trường trong nước gặp khó hơn. Vì vậy, quan trọng hơn cả vẫn là ý thức từ phía cộng đồng DN. Khi các DN bị áp dụng phòng vệ thì các DN phải hợp tác với nhau chặt chẽ, chứ đừng tránh né.
“Các DN cần xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp về phòng vệ thương mại để sẵn sàng đương đầu với các cơ quan điều tra, chuẩn hóa và chuẩn bị tốt các số liệu, không chỉ cho các cơ quan điều tra nước ngoài, mà chính trong việc đề nghị Cục Quản lý cạnh tranh bảo hộ, phòng vệ ngành mình”, ông Nam đề xuất.
Source: Hải Quan