Đối với ngành thép, việc tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đặt ra khá nhiều áp lực, bởi quy mô hoạt động nhỏ, khả năng vốn không đủ mạnh hay sự thiếu năng lực trong việc giải quyết các tranh chấp về phòng vệ thương mại…
Yếu về công nghệ
Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, một trong những ngành sẽ chịu áp lực lớn khi ký kết các Hiệp định Thương mại tự do (FTAs) chính là ngành thép của Việt Nam. Một thời gian dài và ngay cả ở thời điểm hiện tại, chúng ta đã và đang chứng kiến thép Việt Nam bị “lép vế” trước thép Trung Quốc nhập khẩu ồ ạt với giá thấp, và nhiều DN thép trong nước đã rơi vào tình cảnh khốn đốn vì thực trạng này.
Nguy cơ khó cạnh tranh với thép nhập ngoại càng bị đẩy lên cao hơn khi hàng loạt các FTAs được ký kết. Với các DN thép của Việt Nam, sự yếu thế về quy mô hoạt động, khả năng vốn đã và đang trở thành những rào cản lớn làm giảm khả năng cạnh tranh, kìm chân DN.
Nói như Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam – Nguyễn Văn Sưa, sự yếu về cả nguồn lực vốn và nhân lực khiến cho các DN thép của Việt Nam không thể đầu tư được máy móc sản xuất công nghệ cao. Trong khi đó, đòi hỏi hiện nay của một nền kinh tế là công nghệ phải thật tiên tiến, vì chỉ khi có công nghệ tiên tiến chúng ta mới có thể sản xuất được những sản phẩm đạt được cả tiêu chí về chất lượng cũng như giá thành.
Lâu nay, chúng ta vẫn biết, không chỉ riêng đối với ngành thép, mà nhiều lĩnh vực, điểm yếu về công nghệ chính là điểm mấu chốt khiến cho các DN khó có thể sản xuất ra được các sản phẩm cạnh tranh.
Thử lấy ví dụ, Nga là một cường quốc về thép, công suất hoạt động của các nhà máy sản xuất thép của Nga lên tới 70 triệu tấn/ năm với sản lượng xuất khẩu 23,6 triệu tấn/năm. Vậy khi chúng ta mở cửa, trước cường quốc xuất khẩu thép của thế giới, các DN thép Việt Nam sẽ ra sao khi quy mô trung bình chỉ khoảng 400-500 ngàn tấn/ năm?
Yếu cả năng lực phòng vệ thương mại
Khó khăn quy mô vốn, dẫn đến công nghệ sản xuất lạc hậu chỉ là một trong hàng loạt những khó khăn hiện nay của ngành thép Việt. Ngay cả việc thép Việt gặp phải những vụ kiện phòng vệ thương mại ở nước ngoài cũng đẩy ngành thép vào tình thế khốn khó. Nội địa phải chống chọi với thép giá rẻ, bên ngoài lại phải đối diện với những vụ kiện tranh chấp thương mại.
Theo ông Nghiêm Xuân Đa – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam, chỉ tính riêng trong tháng 9 vừa qua ngành thép đã bị kiện tới 3 lần. Còn thời gian dài vừa qua, ngành này đã phải đối phó với 20 vụ kiện.
Theo giới luật gia, hội nhập kinh tế quốc tế, cộng đồng DN không chỉ phải chuẩn bị về nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh mà còn phải chuẩn bị thật kỹ về khả năng phòng vệ, nắm rõ “luật chơi” ở sân chơi toàn cầu mới có thể trụ vững trên thương trường ở thời kỳ hội nhập.
Bởi, khi hội nhập, các rào cản thuế quan đều được rỡ bỏ, DN trong nước sẽ phải đối diện với hàng loạt các loại hàng hóa giá rẻ tràn vào, người tiêu dùng chắc chắn sẽ lựa chọn những sản phẩm chiếm ưu thế về giá cả cũng như chất lượng.
Theo Luật sư Phạm Lê Vinh, Công ty Luật ATIM, Đoàn Luật sư Hà Nội, thực tế đã có DN thép trong nước thắng kiện khi họ thu thập được đầy đủ thông tin để chứng minh họ không bán phá giá tại thị trường nước ngoài. Song, để làm được việc đó, đòi hỏi DN không chỉ có đủ tiềm lực về kinh tế mà còn cần phải có sự thông thạo, hiểu sâu về luật lệ, về các công cụ phòng vệ trước các cuộc tranh chấp thương mại quốc tế.
Có thể khẳng định, các FTAs mà Việt Nam đang ký kết sẽ có tác động cả hai mặt, tích cực và tiêu cực. Đối với ngành thép, như chúng ta đã thấy, những tác động tiêu cực có tính chất mạnh mẽ hơn so với những tác động tích cực.
Theo Nguyễn Văn Sưa – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, các DN không còn con đường nào khác phải nâng cao khả năng cạnh tranh bằng cách đầu tư đổi mới khoa học công nghệ nhằm hạ giá thành sản phẩm đi kèm với nó là tạo ra những sản phẩm chất lượng cao.
Đặc biệt, ngành thép phải xây dựng những DN đủ lớn với quy mô 4-5 triệu tấn/năm, vì chỉ khi mở rộng được quy mô, các sản phẩm thép trong nước mới có thể chống chọi với sản phẩm nhập khẩu.
Bên cạnh đó, theo Luật sư Phạm Lê Vinh, các DN cần phải tự nâng cao kiến thức về phòng vệ thương mại để có thể đối phó với hàng ngoại nhập giá rẻ, cạnh tranh không lành mạnh khi cần thiết.